Xác định trendline luôn là bước đầu tiên được trader thực hiện để tìm kiếm xu hướng giá, từ đó đưa ra quyết định giao dịch chuẩn xác nhất. Để hiểu rõ hơn trendline là gì hay cách vẽ đường trendline chính xác nhất, hãy cùng PriceAction.com.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Trendline là gì?
Trendline hay đường xu hướng, là một đường thẳng nối đỉnh với đỉnh, đáy với đáy lại với nhau, đóng vai trò là công cụ xác định xu hướng giá tại một thời điểm trong quá khứ để phán đoán xu hướng giá trong tương lai.
Có bao nhiêu loại đường xu hướng?
Có 3 dạng xu hướng phổ biến bao gồm:
- Xu hướng tăng (Uptrend).
- Xu hướng giảm (Downtrend).
- Xu hướng đi ngang (Sideway).
Tuy nhiên, với nhiều trader trạng thái giá đi ngang (Sideway) không được xem là một xu hướng. Vì thế, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ hướng dẫn các bạn 2 dạng trendline chính là trendline tăng và trendline giảm mà thôi.

Đường xu hướng tăng (Uptrend)
Khi thị trường có xu hướng tăng sẽ tạo ra các đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước. Theo đó, nối các đáy hoặc các đỉnh này lại thì sẽ ra 1 đường xu hướng tăng.
Đường xu hướng giảm (Downtrend)
Ngược lại, xu hướng giảm sẽ hình thành gồm các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước. Khi nối các đỉnh hoặc các đáy này lại với nhau sẽ tạo thành đường xu hướng giảm.
Làm thế nào để vẽ đường Trendline chính xác nhất?
Để xác định đúng đường trendline, bạn cần phải có ít nhất 2 đỉnh hoặc 2 đáy, sau khi đã xác định được đỉnh/đáy của lần dao động giá thứ 2 thì bạn đã có thể vẽ được đường xu hướng bằng cách nối chúng lại với nhau.
Dưới đây là ví dụ cách xác định 2 đáy để vẽ được đường trendline:

Theo biểu đồ EURUSD, chúng ta có thể thấy 2 đỉnh đã được hình thành rõ ràng, nối chúng lại với nhau bằng đường thẳng tạo thành đường trendline giảm. Khi đã vẽ được trendline chính xác, chúng ta có thể bắt đầu tìm kiếm tín hiệu hành động giá tiếp theo để thiết lập giao dịch hiệu quả.
Lưu ý: Chỉ cần 2 đỉnh hoặc 2 đáy có thể kẻ 1 đường trendline, nhưng để xác định được xu hướng bạn cần ít nhất 3 đỉnh, hoặc 3 đáy như ví dụ bên dưới:

Cũng với biểu đồ trên, chỉ sau gần 2 tuần, giá tiếp tục hình thành đỉnh thứ 3 chạm vào đường trendline. Từ đây xác định được xu hướng của EU là xu hướng giảm, đặc biệt giá sau khi chạm đường trendline lần thứ 3 nhưng không bị phá vỡ, giá đã tiếp tục giảm khá sâu trước khi đảo chiều tăng trở lại. Lúc này, trader có thể nắm bắt cơ hội và mở vị thế bán (Sell) thay vì Buy, sẽ thu được lợi nhuận đáng kể. Cách vẽ trendline trên MT4 và Tradingview
Cách vẽ trendline trên MT4
MT4 (MetaTrader 4) là nền tảng giao dịch trực tuyến phổ biến nhất hiện nay, được các trader trên thị trường ngoại hối sử dụng để phân tích thị trường tài chính và giao dịch forex.
Để vẽ đường trendline trên MT4, bạn cần thực hiện các thao tác đơn giản sau:
Bước 1: Mở nền tảng giao dịch MT4, chọn ký hiệu “/” trên thanh công cụ.

Bước 2:
- Giữ chuột trái, nối các đỉnh giá với nhau tạo thành đường trendline giảm
- Giữ chuột trái, nối các đáy giá với nhau tạo thành đường trendline tăng

Cách vẽ trendline trên Tradingview
Ngoài MT4, Tradingview là một nền tảng biểu đồ lớn nhất nhì với hơn 30 triệu nhà giao dịch trên toàn thế giới.
Để vẽ đường trendline trên Tradingview, bạn cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Truy cập Tradingview, chọn “Các công cụ đường xu hướng”.

Bước 2: Chọn “Đường xu hướng”. Sau đó thực hiện việc nối các đỉnh với nhau, các đáy với nhau để tạo thành các đường trendline tăng/giảm.

Cách giao dịch với đường trendline
Sau khi xác định được trendline, bạn có thể chọn một trong ba cách dưới đây để giao dịch:
- Giao dịch theo sự dịch chuyển xu hướng.
- Giao dịch theo hướng điều chỉnh.
- Giao dịch theo hướng phá vỡ và đảo chiều.
Trong đó, mỗi cách sẽ có những ưu điểm và đi kèm một số nhược điểm nhất định, nên mỗi trader sẽ tự lựa chọn “khẩu vị” giao dịch phù hợp với phong cách của họ nhất.
Giao dịch thuận xu hướng
Chúng tôi muốn nhắc lại ý này thêm 1 lần nữa với 2 điểm bạn có thể vẽ được 1 đường trendline, nhưng cần 3 điểm để xác nhận một xu hướng. Nên khi đã có 1 xu hướng rõ ràng, bạn chờ giá bật lại (bounce) lần thứ 4 tại đường trendline thì có thể tiến hành vào lệnh.
Như ví dụ cặp GBPUSD bên dưới bạn có thể vào lệnh Buy khi giá đập lần thứ 4 vào đường trendline.

Giao dịch theo hướng phá vỡ
Sau khi xác định được xu hướng là tăng hay giảm, trader đợi giá phá vỡ trendline, sau đó tiến hành vào lệnh.
Ví dụ:

AUDUSD khung thời gian D1, giá đã tạo trendline giảm, trader chờ giá phá trendline tức xu hướng có thể chuyển từ giảm sang tăng để tiến hành vào lệnh Buy.
Lưu ý: khi giao dịch theo xu hướng phá vỡ, trader cần phải có sự cảnh giác nhiều hơn. Vì có những trường hợp giá phá vỡ đường xu hướng nhưng lại không đủ sức để tạo ra sự đảo chiều. Hơn nữa, quá trình hình thành trendline, tuỳ vào khung nhưng cần diễn ra trong 1 khoảng thời gian, nên khả năng phá vỡ bởi 1, 2 cây nến là điều rất khó xảy ra.
Giao dịch theo hướng điều chỉnh
Đây là hình thức giao dịch an toàn hơn so với giao dịch theo hướng phá vỡ. Theo đó, sau khi giá phá vỡ đường trendline, trader chờ một nhịp điều chỉnh rồi mới tiến hành vào lệnh.
Ví dụ:

EURUSD khung thời gian D1, giá đã tạo ra trendline giảm, sau khi giá phá qua trendline, trader đợi một nhịp điều chỉnh và vào lệnh Buy.
Đây là 3 phương pháp giao dịch với trendline được nhiều trader sử dụng, nhưng để tăng tỷ lệ thành công, bạn nên kết hợp với một số tín hiệu hành động giá khác như Pin Bar, Fakey, Inside Bar,…
Xem thêm: Pin Bar là gì? Cách giao dịch Price Action theo mẫu nến Pin Bar
Một số lưu ý khi sử dụng trendline
Thực tế, có rất nhiều trader không thể vẽ chính xác đường trendline hoặc cố gắng vẽ các đường xu hướng bằng cách buộc chúng phải đúng với mong muốn của bản thân. Điều này dễ khiến nhà đầu tư xác định sai xu hướng và vội vàng vào lệnh. Để khắc phục điều này, dưới đây là các lưu ý quan trọng, trader cần ghi nhớ khi sử dụng các đường xu hướng trong giao dịch.
- Cần ít nhất 2 đỉnh hoặc 2 đáy để vẽ 1 đường trendline, nhưng cần tối thiểu 3 đáy hoặc 3 đỉnh để xác nhận một đường xu hướng.
- Đường xu hướng không bao giờ là đường ngang mà luôn là đường dốc: Trong thị trường có xu hướng tăng và xu hướng giảm. Với xu hướng tăng nối các đáy cao hơn, xu hướng giảm nối các đỉnh thấp hơn, do đó đường xu hướng luôn luôn là đường dốc.
- Đường xu hướng càng dốc, độ tin cậy càng thấp, khả năng bị phá vỡ càng cao: Về bản chất trendline là một vùng cản và nó sẽ càng cứng hay có giá trị khi chúng được va đập nhiều lần nhưng không bị phá vỡ. Do đó, nếu đường trendline quá dốc, giá không thể chạm tới các đường xu hướng được nhiều lần thì độ tin cậy theo đó cũng giảm và khả năng cao sẽ bị phá vỡ.
- Đường trendline tạo ra tại các khung thời gian lớn sẽ đáng tin cậy hơn: Đường xu hướng được hình thành trong khoảng thời gian dài (W1, D1) sẽ càng cứng và ít bị phá vỡ hơn các đường xu hướng tại các khung thời gian ngắn như H4, H1.
- Đừng bao giờ vẽ các đường xu hướng theo ý nghĩ của bạn: Trendline là công cụ quan trọng với bất kỳ nhà phân tích kỹ thuật nào. Nếu được vẽ chính xác, chúng có thể hiệu quả như bất kỳ phương pháp nào khác. Vì vậy, hãy quan sát thật kỹ các đỉnh hoặc đáy của giá không nên vẽ các đường xu hướng bằng cách buộc chúng phù hợp theo ý muốn của bạn hay cố gắng làm cho mức đó phù hợp với hành động giá trên biểu đồ, điều này rất dễ dẫn đến việc vào lệnh không phù hợp và gây thua lỗ cho trader.
- Vẽ đường trendline nên dùng cả râu nến và thân nến: Mặc dù không có một nguyên tắc nào về cách vẽ đường xu hướng. Tuy nhiên, để xác định xu hướng thị trường một cách chuẩn xác nhất, trader nên kết hợp vẽ trendline bằng thân nến và cả râu nến để tránh trường hợp giá phá vỡ giả.
Lời kết
Trendline là đường xu hướng cơ bản trong phân tích kỹ thuật đầu tư forex, hỗ trợ trader rất nhiều cho việc xác định điểm vào lệnh khi giao dịch. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả đường trendline bạn nên tìm hiểu thật kỹ lưỡng và kết hợp với các công cụ khác khi sử dụng. Trên đây là những thông tin cơ bản cũng như các kiến thức liên quan đến “Trendline là gì?”. Chúc các bạn thành công!